Lớp giảng dạy trực tuyến về hóa sinh của đại học Khon Kaen, Thái Lan cho sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
Để tạo cho sinh viên các khối ngành sức khỏe của trường nói chung và sinh viên ngành Xét nghiệm - Kỹ thuật y học nói riêng có một môi trường giao lưu, học hỏi, nghiên cứu khoa học. Ngày 09/12/2020, Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học và Khoa Răng Hàm mặt, Trường ĐHYD Cần Thơ phối hợp tổ chức buổi giảng dạy trực tuyến do PGS. TS. Atit Silsirivanit, Bộ môn Sinh Hóa, Đại học Khon Kaen, Thái Lan giảng dạy cho sinh viên trường Đại Học Y Dược Cần Thơ.
Đại diện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có sự góp mặt của PGS.TS Trần Đỗ Hùng (Trưởng khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học), PGS.TS Trương Nhựt Khuê (Trưởng khoa Răng hàm mặt), TS.BS Đỗ Thị Thảo (Phó Trưởng khoa Răng hàm mặt), ThS.BS Trần Thị Thu Thảo (Trưởng BM Sinh Hóa), ThS Nguyễn Thị Hồng (giảng viên), cùng sự tham dự đông đảo của hơn 170 sinh viên cử nhân xét nghiêm, y khoa, răng hàm mặt, và các giảng viên khác của trường.
Trong sự kiện này, TS.BS Đỗ Thị Thảo đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của buổi hội thảo, với vai trò là một cựu sinh viên của Đại học Khon Kaen, đã hỗ trợ phiên dịch chính cho buổi hội thảo, là cầu nối giúp cho sự liên kết của giảng viên, sinh viên của trường và Đại học Khon Kaen trở nên gần hơn.
Nội dung buổi hội thảo xoay quanh hai vấn đề chính. Thứ nhất là giới thiệu về quá trình post translational modification, quá trình glycosyl hóa của các phân tử protein và vai trò sinh học của chúng đối với cơ thể. Phần thứ hai, cũng được xem là phần quan trọng nhất của buổi giảng dạy, đề cập đến nghiên cứu về một loại đường liên kết với protein đó là lectin, đồng thời cũng nêu lên các mối liên quan của quá trình glycosyl hóa với một số bệnh lý của cơ thể người, chủ yếu là ung thư, trong nội dung nghiên cứu này đề cập về ung thư gan cholangiocarcinoma. Ngoài ra, phần này cũng đề cập đến một số hướng nghiên cứu mới do Đại học Khon Kaen thực hiện như các markers SNAG, BMA, BMAG trong bệnh lý cholangiocarcinoma bằng kỹ thuật hóa mô miễn dịch, ELISA, cell culture, cytofluorescence.
Mặc dù buổi giảng dạy trực tuyến chỉ diễn ra trong vòng khoảng 90 phút, nhưng đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích cho người tham gia. Sự kiện này đã tiếp thêm nguồn động lực to lớn cho hoạt động NCKH-HTQT của nhà trường cũng như Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học. Sau buổi học tập này đã hứa hẹn sẽ có thêm nhiều buổi giao lưu với các trường trong khu vực và trên thế giới để góp phần mở rộng quan hệ cũng như nâng cao danh tiếng của nhà trường trong nền giáo dục quốc tế.
PGS.TS. Atit Silsirivanit
Tên bài giảng của PGS.TS. Atit Silsirivanit
Sinh viên tham gia buổi giảng trực tuyến
TS.BS Đỗ Thị Thảo trao Giấy chứng nhận của Hiệu Trưởng Trường ĐHYD Cần Thơ cho PGS.TS. Atit Silsirivanit
Ban Tổ Chức buổi giảng dạy trực tuyến của Trường ĐHYD Cần Thơ
Ban tổ chức của Trường ĐHYD Cần Thơ chụp ảnh với PGS.TS. Atit Silsirivanit