Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức Hội thảo về Đánh giá Chuẩn đầu ra trong Giáo dục Y khoa
Hiệu trưởng Trường Đại học
Y Dược Cần Thơ tặng quà lưu niệm cho Báo cáo viên
Hội thảo nhằm mục đích nâng cao chất lượng
đào tạo thông qua việc áp dụng phương pháp giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra
(Outcome Based Education - OBE). Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đổi
mới phương pháp giảng dạy và đánh giá tại trường, hướng tới việc đào tạo nguồn
nhân lực y tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Phát biểu khai mạc hội
thảo, GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhấn mạnh
tầm quan trọng của việc xây dựng và đánh giá chuẩn đầu ra trong giáo dục y
khoa. Theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên, thời gian qua, nhà trường đã đi một chặng
đường dài trong việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, bao gồm việc
đo lường, đánh giá và đảm bảo chất lượng. Trường cũng đang hướng tới việc kiểm
định chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng
và uy tín của trường, đồng thời xác định công tác đảm bảo chất lượng và hoàn
thiện chương trình đào tạo là một nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi một quá trình dài
và nỗ lực không ngừng của tập thể nhà trường.
GS.TS Nguyễn Trung Kiên,
Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phát biểu khai mạc Hội thảo
Tuy
nhiên, theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên, qua các đợt kiểm tra, đánh giá và kiểm định,
nhà trường vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt trong công tác đo lường và đánh giá
đầu ra của chương trình. Để giải quyết những vấn đề này, Trường Đại học Y Dược
Cần Thơ đã mời PGS.TS Đinh Thành Việt, chuyên gia trong lĩnh vực này, đến chia
sẻ và trao đổi kinh nghiệm với các thầy cô giảng viên của trường.
Hiệu
trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ mong muốn các đại biểu tập trung nghiên cứu,
trao đổi và học hỏi từ chuyên gia, để hoàn thiện chương trình đào tạo, đặc biệt
là các vấn đề liên quan đến đo lường, đánh giá đầu ra. Đây là một nhiệm vụ trọng
tâm và dài hạn của nhà trường, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của tập
thể các thầy cô, cán bộ, giảng viên nhà trường.
Hội
thảo tập trung vào nhiều nội dung quan trọng, bao gồm: nguyên tắc xây dựng
chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, phương pháp xây dựng đề thi gắn kết với
chuẩn đầu ra học phần, cách thức đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học
và quy trình phân tích kết quả đánh giá để cải tiến chương trình đào tạo, hệ thống
hóa phương pháp đo lường đánh giá mức độ người học đạt được các chuẩn đầu ra
chương trình đào tạo,…
Các
chuyên gia đã hướng dẫn chi tiết về cách xây dựng ma trận liên kết giữa chuẩn đầu
ra học phần (PLO) và chỉ số đánh giá chuẩn đầu ra (PI) với các học phần trong
chương trình đào tạo. Điều này giúp đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả trong việc
đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Một điểm đáng chú ý của
hội thảo là phần thực hành, trong đó các học viên được trực tiếp tham gia vào
quá trình xây dựng kế hoạch đánh giá, thiết kế các bài kiểm tra, và phân tích kết
quả đánh giá. Điều này giúp các giảng viên và cán bộ quản lý có cơ hội áp dụng
ngay những kiến thức đã học vào thực tế công việc của mình.
PGS.TS Đinh Thành Việt,
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á hướng dẫn tổng quan về phương
pháp đánh giá mức đạt các PLO/PI đối với từng người học
Tại
hội thảo, PGS.TS Đinh Thành Việt cho biết, việc đo lường và đánh giá chuẩn đầu
ra đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt
trong lĩnh vực giáo dục y khoa. Ông nhấn mạnh rằng theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT,
sinh viên phải "Đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo" để được
công nhận tốt nghiệp. Do đó, các trường cần áp dụng phương pháp thiết kế ngược
trong xây dựng chương trình đào tạo, bắt đầu từ việc xác định chuẩn đầu ra, sau
đó mới xây dựng nội dung và phương pháp giảng dạy.
PGS.TS
Đinh Thành Việt cũng đề xuất việc xây dựng ma trận liên kết giữa chuẩn đầu ra
chương trình (PLO) với chuẩn đầu ra học phần (CLO), sử dụng đa dạng các phương
pháp đánh giá trực tiếp và gián tiếp để xác định mức độ đạt chuẩn của người học.
Ông khuyến nghị các trường y khoa nên xác định rõ các chuẩn năng lực cần đạt của
sinh viên sau khi tốt nghiệp, thiết kế các học phần và phương pháp đánh giá phù
hợp, đồng thời thực hiện đánh giá thường xuyên và cải tiến liên tục. Theo
PGS.TS Việt, việc áp dụng phương pháp giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra sẽ giúp
các trường y khoa đào tạo ra những bác sĩ đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế của
ngành y tế.
Phát
biểu tổng kết hội thảo, GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y
Dược Cần Thơ đánh giá cao sự tham gia và đóng góp của các giảng viên trong hai
ngày hội thảo. Đây là một trong những hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều thầy
cô đang công tác tại các khoa, đơn vị trong trường.
GS.TS Nguyễn Trung
Kiên mong muốn các giảng viên sẽ triển khai những kiến thức và kỹ năng mới học
được vào thực tế, đồng thời mong muốn các giảng viên sẽ thực hiện tốt công tác
đo lường chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và các học phần trong thời gian
tới. Nhà trường cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật và kinh phí để các giảng viên có
thể tổ chức thêm các hội thảo, tập huấn về nội dung này.