Hội thảo “Cơ sở lý thuyết và vận hành hệ thống sắc ký lỏng ghép nối đầu dò dãy diod quang (HPLC-PDA)”

PGS.TS. Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần
Thơ
phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo nhằm mục đích trang bị cho người học đầy đủ kiến thức về cơ sở lý thuyết, nguyên lý của phương pháp, kỹ năng
vận hành, bảo trì thiết bị và thực hành ứng
dụng phương pháp HPLC-PDA trong phân tích dược phẩm, xét nghiệm y học, hợp chất
tự nhiên cây thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm.
Tại các buổi hội thảo lý thuyết, các học viên được PGS.TS. Đỗ Châu Minh Vĩnh Thọ chia
sẻ cấu hình hệ thống, vai trò các bộ phận và nguyên lý hoạt động của hệ thống sắc
ký lỏng hiệu năng cao; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự
tách của các chất cũng như ứng dụng của phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao
trong các lĩnh vực đời sống.

Theo đó, phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC - High Performance
Liquid Chromatography) ra đời năm 1967 - 1968 trên cơ sở phát triển và cải tiến từ
phương pháp sắc ký cột cổ điển. HPLC là một kỹ thuật trong hóa phân tích dùng để
tách, định tính và định lượng từng thành phần trong hỗn hợp và phương pháp này
đã được đưa vào hệ thống Dược
Điển của các nước tiên tiến trên thế giới như: Dược điển Mỹ, Dược điển Anh,
Dược điển Châu Âu, Dược điển Việt Nam V…; Cục thực phẩm dược phẩm Hoa kỳ, Ủy
ban quản lý dược phẩm Châu Âu, Hiệp hội đồng thuận quốc tế.
PGS.TS. Đỗ Châu Minh Vĩnh Thọ chia sẻ thông tin về cấu
hình hệ thống, vai trò các bộ phận và nguyên lý hoạt động của hệ
thống sắc ký lỏng hiệu năng cao
HPLC hoạt động với nguyên tắc là tách một mẫu gồm hỗn hợp nhiều thành phần
thành từng thành phần riêng lẻ dựa trên sự khác biệt về ái lực giữa các phân tử
khác nhau với 2 pha là pha động và pha tĩnh. Dựa vào sự khác nhau về cơ chế
tách sử dụng trong HPLC, có thể phân loại HPLC thành 6 nhóm: sắc ký phân bố,
phân bố tạo cặp ion, hấp phụ, trao đổi ion, rây phân tử và sắc ký ái lực. Trong
đó, cơ chế sắc ký phân bố được ứng dụng nhiều nhất vì có thể phân tích được những
hợp chất từ kém phân cực đến những hợp chất phân cực có phân tử lượng nhỏ.
Phạm vi ứng dụng của phương pháp HPLC rất phổ biến, rộng rãi trong phân
tích dược phẩm, an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, y sinh học, hợp chất tự nhiên cây
thuốc, môi trường… với những ưu điểm vượt trội về tính đặc hiệu/độ chọn lọc, độ nhạy, độ
đúng và độ chính xác cao giúp rút ngắn thời gian
phân tích và tiết kiệm dung môi sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức
khỏe người làm công tác phân tích, bảo vệ môi
trường.

Chụp ảnh lưu niệm với các học viên sau buổi tập
huấn cơ sở lý thuyết sắc ký lỏng ghép nối đầu dò dãy diod quang.
Sau buổi hội thảo lý thuyết, các học viên được PGS.TS.
Đỗ Châu Minh Vĩnh Thọ, ThS. Lữ Thiện Phúc hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng trên
hệ thống HPLC Hitachi L-2000 tại Liên Bộ
môn. Theo đó, các thao tác thực hành kết nối hệ thống phần mềm với các bộ
phận, các vần đề sai sót thường gặp trong vận hành hệ thống HPLC, lắp ráp tiền
cột và cột sắc ký, đuổi khí trong hệ thống, mở phương pháp phân tích mẫu, cân bằng
đường nền, phân tích ưu nhược điểm của đầu dò dãy diod quang, thực hành tiêm mẫu
đơn và tiêm tự động, xử lý số liệu, tính toán kết quả phân tích curcumin I, II, III có trong mẫu
nguyên liệu thân rễ nghệ vàng và viên nén chứa paracetamol và cafein.

PGS.TS. Đỗ Châu Minh Vĩnh Thọ và ThS Lữ Thiện Phúc hướng dẫn nguyên lý hoạt
động và vận hành, bảo dưỡng hệ thống HPLC Hitachi L-2000 .
Hội thảo tập huấn về “Cơ sở lý thuyết và vận hành hệ thống sắc ký lỏng
ghép nối đầu dò dãy diod quang” đã mang lại rất nhiều kiến thức bổ ích, thực tiễn
về cơ sở lý thuyết của phương pháp, phương pháp xử lý số liệu, nguyên lý hoạt động
và vận hành, bảo trì thiết bị HPLC/PDA giúp học viên định hướng thiết kế các
nghiên cứu thực nghiệm khảo sát điều kiện sắc ký, đánh giá quy trình chiết tối
ưu, độ ổn định mẫu, thẩm định phương pháp theo các hướng dẫn chính thống trong
việc xây dựng các quy trình định tính, định lượng, xác định độ tinh khiết…cũng
như giúp hạn chế sự cố thường gặp trong vận hành và kéo dài tuổi thọ của hệ thống
HPLC/PDA.
.